Bà Rịa – Vũng Tàu xác định: Phát triển giao thông và kết nối vùng là nhiệm vụ sống còn

Ngày 16/12 vừa qua, dự án Quốc lộ 56-tuyến tránh thành phố Bà Rịa có tổng chiều dài hơn 12 km, đường được làm mới với quy mô thiết kế đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế là 70 km/giờ; mặt cắt ngang trên toàn tuyến rộng 46m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m; đường gom 2 bên rộng 9m; dải phân cách giữa rộng 1,5m x 2 và phần đường chính với 4 làn xe cơ giới rộng 15m đã chính thức đi vào hoạt động.
Cùng với những dự án giao thông trọng điểm khác, đây là 1 trong những động lực giúp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng trưởng bền vững trong những năm tới đây.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với các vùng, khu vực và thế giới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiệm kỳ này.
Nỗ lực xóa các “điểm nghẽn” về giao thông
Dù là tỉnh nổi tiếng về du lịch biển nhưng nhiều năm trở lại đây hoạt động du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu tụt hậu thấy rõ so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Không cần phải so sánh đâu xa, ngay với các địa phương có biển trong khu vực, như: Bình Thuận, Khánh Hòa, các điểm đến của Bà Rịa-Vũng Tàu đã dần mất đi sự lợi thế. Thiếu những sản phẩm du lịch mới, thiếu một chiến lược phát triển du lịch dài hơi, nhưng cái thiếu lớn nhất đối với du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chính là thiếu một hệ thống kết nối giao thông đa phương thức mà nếu nhìn rộng ra thì rõ ràng đây phải là thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Quốc lộ 51, tuyến đường “độc đạo” kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh với Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng chục năm nay vẫn được xem là trục xương sống chính. Giao thông đường thủy trồi sụt, chủ yếu là các hoạt động sang tải cho tàu mẹ từ Cái Mép-Thị Vải về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, trong chiến lược phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam, được kỳ vọng là nhóm cảng tối quan trọng, đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế, có khả năng đón các siêu tàu lớn nhất thế giới và giảm tải cho toàn bộ các cụm cảng của TP Hồ Chí Minh nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ hoạt động cầm chừng với một nửa công suất. Theo tính toán, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì chỉ cần một “tàu mẹ” hơn 15 nghìn TEU cập cảng cũng đủ làm quốc lộ 51 rơi vào tê liệt.
Theo quy hoạch của ngành giao thông, từ rất nhiều năm trước, bên cạnh các tuyến đường bộ, việc xây dựng tuyến đường sắt để nối dài đường sắt bắc-nam với cụm cảng nước sâu này cũng đã được đề ra nhưng tiến độ và thời gian thì vẫn còn… bỏ ngỏ. Đó là lý do vì sao nhiều cảng container nước sâu phải chuyển đổi công năng để thành cảng tổng hợp, có khả năng xếp giỡ hàng rời. Đó cũng là lý do một khu du lịch đẳng cấp năm sao tại địa phương đề xuất xây dựng sân bay để chủ động hơn trong việc đưa đón khách. Và, đó cũng là lý do một địa phương hội tụ đầy đủ nhất những tiềm năng về kinh tế biển vẫn lận đận trong việc thực thi các mục tiêu tăng trưởng cho dù bốn trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh xác định từ nhiều năm trước.
Phát triển giao thông, nhiệm vụ sống còn
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình Đại hội đại biểu lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ rõ: “Hệ thống hạ tầng kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với các địa phương, khu công nghiệp trong khu vực, việc nạo vét luồng lạch, dịch vụ hậu cần cảng chậm đầu tư, phát triển chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế”. Đồng thời, trong 3 khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định trong nhiệm kỳ mới, thì khâu đột phá đầu tiên là: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định phát triển giao thông là nhiệm vụ sống còn của địa phương để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bứt phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Những bất cập về kết nối giao thông đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống giao thông kết nối nội vùng, tỉnh cũng sẽ cùng các địa phương đẩy nhanh việc triển khai các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng, nhằm phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của Bà Rịa-Vũng Tàu, để Bà Rịa-Vũng Tàu tự tin, vũng vàng trở thành một cực tăng trưởng của cả nước.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết: Nhiệm vụ quan trọng của ngành giao thông hiện nay là tập trung khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, trong đó có nhánh kết nối xuống cụm cảng. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án trọng điểm để giảm tải cho quốc lộ 51. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 38 km đường cao tốc từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ và 8,8 km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép -Thị Vải. Đây là đoạn tuyến được đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư gần 16 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ Phú Mỹ đến Vũng Vằn có mức đầu tư khoảng 8 nghìn tỷ đồng sẽ do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ động quyết định. Tiếp đến là khởi công xây dựng cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với cao tốc Bến Lức-Long Thành. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 2 nghìn tỷ, tỉnh sẽ thu xếp gần 3 nghìn tỷ. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nạo vét luồng Cái Mép -Thị Vải đạt (-) 15,5m để đảm bảo tàu trọng tải lớn ra vào; kiến nghị Chính phủ bổ sung, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu nhằm tạo thêm một phương thức vận tải mới kết nối với hệ thống cảng…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong ba ngày từ 23 đến 25-9 đã thành công tốt đẹp. Vóc dáng, diện mạo của Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm năm tới, cũng như nhiều năm sau, được định hình với kỳ vọng và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ. Trong đó, khâu đột phá đầu tiên được Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra chính là “đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức”.
Theo Nguyễn Nam – https://nhandan.vn/